Cảm nhận về hai đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu

Cập nhật lúc: 02:11:29/06-11-2018 Mục tin: Ôn thi thpt quốc gia 2020


Tây Tiến - Quang Dũng và Việt Bắc-Tố Hữu đều là những thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, viết về một thời kỳ gian khổ mà hào hùng, anh dũng của cả dân tộc bên cạnh đó còn bộc lộ về nỗi nhớ về mảnh đất nơi từng là địa bàn sinh sống và chiến đấu của những người lính...

ĐỀ BÀI

Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

( Tây Tiến  Quang Dũng, Văn học 12, tập 1, NXB Giáo dục 2008, trang 88)

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.

(Việt Bắc, Tố Hữu, Văn học 12, tập 1, NXB Giáo dục 2008, trang 112)

1/ Giới thiệu chung:

- Quang Dũng (1921-1988), quê Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn. Còn Tố Hữu (1920-2002), quê ở Huế, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam với hồn thơ đậm đà tính dân tộc.

Tây Tiến sáng tác năm 1948 ở Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến để chuyển sang làm việc tại một đơn vị khác. 

-  Việt Bắc viết về cuộc chia tay lớn trong lịch sử vào tháng 1O năm 1954 - cuộc chia tay giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ miền xuôi.

- Cả hai tác phẩm đều là những thành tựu đặc sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp, đều là những bài ca không thể nào quên về một thời gian khổ mà hào hùng, hào hoa của lịch sử dân tộc.

- Hai đoạn thơ trên đều bộc lộ nỗi nhớ về mảnh đất miền Tây Bắc nhưng ở mỗi bài có những nét đặc sắc riêng.

2/ Trình bày cảm nhận:

a/ Cảm nhận về đoạn thơ đầu trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng:

- Đoạn thơ thể hiện một nỗi nhớ cồn cào, da diết của nhà thơ về một thời đã qua. Điệp từ “nhớ”, cách nói “nhớ chơi vơi”, cách giao vần "ơi" và 2 chữ "xa rồi" khiến nỗi nhớ chập chờn hư thực, vừa tha thiết, thường trực, vừa mênh mang, đầy ám ảnh. Nỗi nhớ như ngân vang, phù hợp với biên độ của cảm xúc. 

- Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc được mở ra theo hồi tưởng của nhà thơ với các địa danh "Sông Mã" "Sài Khao" "Mường Lát" - những cái tên đầy lạ lẫm, gợi sự xa xôi, hoang vu, bí hiểm. Thiên nhiên cũng thật khắc nghiệt "sương lấp" song cũng có lúc thi vị vô cùng "hoa về trong đêm hơi.

- Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra trong một nét vẽ "đoàn quân mỏi" càng làm rõ hơn sự khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc và những gian khổ của chiến tranh.

- Nghệ thuật: bút pháp tả thực, đưa nhiều địa danh vào thơ tạo cảm giác xứ lạ phuong xa, đgiọng thơ giàu cảm xúc, các gieo vần rất tinh tế, khiến câu thơ như ngân dài...

b/ Cảm nhận về đoạn thơ trong bài "Việt Bắc" của Tố Hữu:

Đoạn thơ là nỗi nhớ của người chiến sĩ cách mạng về chiến khu nơi từng gắn bó trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ.

- Tình thế của quân ta: "giặc đến giặc lùng": nguy biến, tan tác, loạn lạc.

- Trước giờ khắc quyết định của lịch sử, không chỉ nhân dân mà cả núi rừng cùng đều vùng lên, chung sức đánh Tây. Với cuộc kháng chiến đầy gian lao của quân và dân Việt Bắc, núi rừng cũng trở nên có chí, có tình người, đã trở thành những người bạn, những người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng của toàn quân. "Rừng", " núi" được lặp đi lặp lại đến năm lần, nó rải kín câu thơ, rải kín đất Việt Bắc tạo nên thế hiểm của trường thành, của lũy thép vây bọc quân thù. Như một người mẹ che chở cho con mình, rừng bao bọc cho bộ đội trước mặt kẻ thù cướp nước. 

=> Qua bốn câu thơ càng làm sáng tỏ thêm nhận định: Việt Bắc là cái nôi của cách mạng dân tộc ta. 

- Nghệ thuật: Thể thơ lục bát thân thuộc, điệp từ "rừng" "núi" và phép nhân hóa [câu 2,4] đã cùng tái hiện thành công hình ảnh đất nước đứng lên. 

3/ So sánh: 

a/ Điểm giống nhau:

- Đều là những tác phẩm sáng tác thuộc mảng văn học cách mạng với cảm hứng chủ đạo là ngợi ca, đề cao ân nghĩa thủy chung.

- Cả hai đoạn thơ đều bộc lộ về nỗi nhớ về mảnh đất nơi từng là địa bàn sinh sống và chiến đấu của những người lính.

b/ Điểm khác nhau:

- Đoạn thơ trong "Tây Tiến" chủ yếu tái hiện bức tranh thiên Tây Bắc.

- Đoạn thơ trong "Việt Bắc" tập trung tái hiện hình ảnh đất nước đứng lên.

4/ Đánh giá:

- Cả hai đều là những đoạn thơ hay nhất nói về nỗi nhớ và tình nghĩa thủy chung của các nhà thơ. 

- Khẳng định sức hấp dẫn của 2 bài "Tây Tiến", "Việt Bắc" và của cả 2 cây bút Quang Dũng, Tố Hữu trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

XEm thêm nhiều bài soạn văn mẫu tại đây: https://loigiaihay.com/ngu-van-lop-12-c30.html

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Cập nhật thông tin mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2019 - Luyện thi thpt quốc gia 2019 toán, văn, anh và các môn khác