Đề thi minh họa 2017: Khó lấy điểm 8

Cập nhật lúc: 01:10:17/06-10-2016 Mục tin: Ôn thi thpt quốc gia 2020


Theo đánh giá của nhiều giáo viên THPT, số câu hỏi khó trong đề thi minh họa 2017 giảm nhưng áp lực về thời gian làm bài tăng khiến các em khó đạt điểm cao.

Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 với 14 môn. Trừ Ngữ văn, các môn khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.

Theo đánh giá của một số giáo viên, đề thi khá vừa sức học sinh và phù hợp hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Khoa học tự nhiên: Khó đạt điểm cao

Nhận xét về đề thi minh họa môn Toán, thầy Lại Tiến Minh - giảng viên ĐH Kiến trúc, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội - cho rằng: Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, các câu hỏi được sắp xếp lần lượt theo chủ đề kiến thức trong sách giáo khoa. Mức độ khó tăng dần từ nhận biết tới vận dụng cao.

Trong đề thi, số câu hỏi yêu cầu thí sinh sử dụng máy tính casio cho ra kết quả ngay không nhiều. Một số câu hỏi dễ cho học sinh xét tốt nghiệp và rất khó dùng xét tuyển đại học.

Hoàng Đình Quang - cựu sinh viên ĐH Ngoại thương, giáo viên dạy online nhận xét - đề thi môn Hóa học gồm 40 câu, được sắp xếp từ dễ đến khó. Các phần lý thuyết và bài tập đan xen nhau.

Đề thi có khoảng 10 câu ở mức nâng cao để phân loại học sinh vào đại học, trong đó có 2 câu ở mức khó. Số câu lý thuyết là 25/40, khá được chú trọng.

Nhìn chung, đề thi minh họa 2017 dễ hơn so với đề thi THPT quốc gia của năm 2015 và 2016 khi đã giảm số lượng câu khó và rất khó. Tuy nhiên, thời gian thi chỉ còn 50 phút nên yêu cầu thí sinh phải tính toán nhanh và thuộc lý thuyết. Như vậy, áp lực thời gian chính là vấn đề khó của đề thi năm nay.

Để làm tốt bài Hóa học, thí sinh cần vững các phương pháp cơ bản như số đếm, bảo toàn e, trung bình, bảo toàn khối lượng, cũng như phải làm thật cẩn thận và luyện tốc độ giải bài nhanh.

Hoàng Đình Quang đánh giá đề thi môn Vật lý tương tự đề Hóa học và thí sinh đạt 8 điểm sẽ khó hơn mọi năm. Những em học căn bản có thể dễ dàng đạt 5 điểm.

Môn Khoa học Xã hội có lợi cho thí sinh khối tự nhiên

Nhận xét về đề môn Ngữ văn, thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) - nêu quan điểm đề thi rút ngắn còn 60 phút khiến nhiều học sinh lo lắng không đủ thời gian làm bài. Nhiều em quen với lối viết dài dòng lan man, đề cao cảm xúc có thể gặp khó khăn với tiêu chí ngắn gọn chính xác và thuyết phục của đề thi này.

Theo đánh giá của thầy Quỳnh, đề minh họa Ngữ văn có sự phân hóa chưa cao. Các câu hỏi yêu cầu tính chính xác nên chủ yếu người chấm đếm ý cho điểm.

Phần nghị luận và đọc hiểu chiếm 5 điểm, không nằm trong sách giáo khoa nên học sinh không cần học thuộc mà có thể tư duy làm bài. Điều này có lợi cho thí sinh thuộc ban tự nhiên.

Với câu hỏi đọc hiểu, đề thi giảm từ 600 xuống còn 200 chữ, buộc thí sinh phải viết rất ngắn gọn mà vẫn đủ ý. Sự thay đổi này khiến học sinh bỡ ngỡ, vì trong chương trình sách giáo khoa hiện hành, nghị luận xã hội vẫn là nội dung độc lập. Bài kiểm tra nghị luận xã hội được viết thành bài văn trong 45 phút.

Các đề thi học sinh giỏi cũng đòi hỏi học sinh viết bài nghị luận xã hội với dung lượng lớn. Thực tế này bắt buộc giáo viên và học sinh phải sớm thay đổi cách học và kiểm tra đánh giá nội dung.

Hơn nữa, việc giới hạn dung lượng có thể khiến học sinh viết máy móc, khuôn mẫu theo quy ước có sẵn. Các em lo lắng vì không có cơ hội để bày tỏ cảm xúc và thể hiện những sáng tạo trong nhìn nhận đánh giá vấn đề. Ngược lại, học sinh trung bình chép, diễn đạt lại ý của văn bản đọc hiểu vẫn có thể được điểm.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM - nhận định, đề minh họa môn Lịch sử chủ yếu tập trung chương trình của lớp 12, đảm bảo được tính khách quan và phân loại học sinh.

Thí sinh phải làm 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút, bình quân mỗi câu là 1,2 phút. Đây là thời gian hợp lý dành cho một đề kiểm tra kiến thức.

Tuy nhiên, với đề thi này, thí sinh khó làm trọn vẹn, đạt điểm số tuyệt đối. Các câu hỏi được phân bố hợp lý, từ dễ đến khó, kiểm tra kiến thức đến phân tích và suy luận.

Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hiểu và nắm vững kiến thức. Một số câu hỏi sử dụng thuật ngữ chuyên môn nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ  của học sinh. Đây chính là những câu để phân loại học sinh, không cẩn thận rất dễ sai.

Cũng theo cô Huyền Thảo, môn Giáo dục Công dân lần đầu tiên được đưa vào đề thi khiến nhiều học sinh trông đợi. Theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, sự phân bố hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, các câu hỏi đi từ dễ đến khó. Đa số câu hỏi về giải quyết tình huống xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để các bạn vận dụng kiến thức để trả lời.

Mặc dù là năm đầu tiên các kiến thức môn giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, cấu trúc và nội dung đề khá hay, thực tiễn, bớt lý thuyết học thuộc, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức của học sinh.

Tổng hợp

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Cập nhật thông tin mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2019 - Luyện thi thpt quốc gia 2019 toán, văn, anh và các môn khác