Đề thi năm nay được thiết lập bằng phần mềm máy tính và phải thử nghiệm trên học sinh trước kỳ thi.

Đề thi năm nay được thiết lập bằng phần mềm máy tính và phải thử nghiệm trên học sinh trước kỳ thi.
 

Có 24 mã đề/môn thi

Theo ông Trần Văn Nghĩa, trong thực tế, công nghệ hình thành các đề thi trắc nghiệm tương đương đã được nhiều trung tâm khảo thí trên thế giới thực hiện. Để thực hiện được bộ đề thi đó, đòi hỏi ngân hàng câu hỏi phải được chuẩn hóa là yêu cầu đầu tiên.

Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được xây dựng theo một quy trình khoa học, nghiêm ngặt và phải được thử nghiệm trên thực tế. Vì vậy, ngay sau khi công bố phương án thi/tuyển sinh, Bộ đã triển khai ngay công việc này để đảm bảo đúng tiến độ. Khi đã có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa thì phần mềm máy tính có thể tự động thiết lập được các đề thi tương đương. Đó chỉ là vấn đề kỹ thuật.

“Nhiều năm qua, Bộ cũng đã tập huấn cho giáo viên việc ra các câu hỏi thi trắc nghiệm và nếu các trường triển khai đúng quy định của Bộ kèm theo đề thi minh họa Bộ đã công bố, giáo viên hoàn toàn có thể hướng dẫn cho học sinh ôn tập tốt cho kỳ thi tới” 

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục

Ông Nghĩa cho rằng, thực tế trong 3 năm qua Đại học Quốc gia Hà Nội đã sử dụng các đề thi trắc nghiệm khách quan tương đương để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực dùng tuyển sinh với điểm xét tuyển làm tròn đến 0,25 và đã có hơn 70.000 thí sinh dự thi. Năm nay, mặc dù số học sinh dự thi dự kiến lên đến gần 1.000.000, tuy nhiên số đề đưa ra cho mỗi môn cũng chỉ là 24 đề (tương đương mỗi phòng thi 24 thí sinh) điều này rất hợp lí để mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi khác nhau.

“Đúng là việc viết câu hỏi trắc nghiệm cho ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa khó hơn rất nhiều so với việc đưa ra các câu hỏi tự luận. Nhưng cũng không có cơ sở để nói rằng với 40 bài học thì chỉ hình thành được tối đa 500 câu hỏi mà trên thực tế có thể ra nhiều câu hỏi hơn thế xoay quanh các nội dung trong chương trình”, ông Nghĩa nói.

Thi THPT quốc gia 2017:  Đề thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập ảnh 1

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.

Bắt buộc thử nghiệm đề thi

Về tiến độ, quy trình làm đề năm nay, ông Nghĩa cho hay, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi từ đầu năm học. Để đảm bảo các yêu cầu tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng được tiến hành sớm hơn rất nhiều so với những năm trước. Bộ đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng công việc, nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Cho đến nay, kế hoạch đang được triển khai theo đúng tiến độ dự kiến và sẽ hoàn thành sớm trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra.

Đối với một kỳ thi lớn, số lượng thí sinh tham gia đông và được thực hiện theo phương thức thi trắc nghiệm như kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc thử nghiệm trên học sinh để chuẩn hóa câu hỏi thi là bước bắt buộc trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi. Việc chọn mẫu thử, số lượng và đối tượng học sinh tham gia bao nhiêu được bộ phận có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa mà các trung tâm khảo thí hiện nay đang triển khai.

“Tôi cho rằng, trong sách giáo khoa, sách bài tập THPT hiện hành, bên cạnh các câu hỏi tự luận đều có các câu hỏi trắc nghiệm cho học sinh ôn tập. Hơn nữa nhiều năm qua, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường trong đánh giá thường xuyên như kiểm tra 1 tiết, giữa kỳ, cuối kỳ phải kết hợp các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận để học sinh tập dượt, làm quen”, ông Trần Văn Nghĩa nói.

(Theo báo tiền phong)