Còn bao nhiêu lần thay đổi thi cử mới có phương án cuối cùng

Cập nhật lúc: 05:11:28/17-11-2016 Mục tin: Thông tin mới nhất về thi thpt quốc gia 2021


Bộ GD&ĐT chuẩn bị 10 năm cho thay đổi thi cử và người dân muốn biết đâu là phương án cuối cùng. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói như vậy khi báo cáo Quốc hội chiều 16/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Báo cáo Quốc hội, Phó thủ tướng khẳng định giáo dục được toàn dân quan tâm. Những vấn đề các đại biểu chất vấn, tranh luận trong sáng nay cũng là những điều người dân chú ý.

Trong báo cáo vắn tắt, Phó thủ tướng đề cập 3 vấn đề chính là chất lượng giáo dục, triết lý giáo dục và đổi mới thi cử.

Bộ giáo dục chuẩn bị 10 năm cho thay đổi thi cử

Ông Đam cho biết Nghị quyết số 29 xác định thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là khâu gây bức xúc nhất do hiện tại có quá nhiều kỳ thi và còn tồn tại những bất cập.

Việc thi đại học, cao đẳng còn quá căng thẳng và phức tạp, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng học lệch, học tủ, cũng như ảnh hưởng chất lượng giáo dục đại học. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có một kỳ thi trung thực, khách quan, học sinh học toàn diện và tuyển sinh vào đại học không quá căng thẳng.

Theo Phó thủ tướng, nhiều nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề này thông qua hình thức thi đánh giá năng lực như cách Đại học Quốc gia Hà Nội làm mấy năm qua.

Trắc nghiệm là hình thức phổ biến, song nước ta chưa thể tổ chức ngay một kỳ thi đơn giản như vậy, vì không thể thay đổi đột ngột. Việc này cũng phụ thuộc quá trình đổi mới trong giảng dạy, học liệu và các yếu tố khác.

Ông Đam nhận định nhìn tổng thể, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã tốt hơn trước rất nhiều và tiến bộ hơn trong năm 2016.“Khi bàn bạc về vấn đề này, các chuyên gia thường ví rằng lý tưởng có một chỗ ở mới rồi trên mảnh đất cũ xây ngôi nhà mới hoàn toàn. Nhưng chúng ta không có chỗ ở khác, vì thế chúng ta phải ở đó, con cháu vẫn học hành, sinh hoạt trong quá trình sửa nhà”, Phó thủ tướng nói.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT đưa ra những đổi mới căn bản, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến dư luận để có kỳ thi thành công, trung thực, đơn giản, giảm áp lực cho xã hội.

Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi, Thủ tướng đã chỉ đạo phải ra đề minh họa để học sinh, phụ huynh và giáo viên tham khảo. Phó thủ tướng cho biết ông cũng yêu cầu bộ ra thêm hai đề mẫu để lấy ý kiến chung rồi điều chỉnh phù hợp.

Theo ông Đam, không có phương pháp toàn diện, dù là thi trắc nghiệm hay tự luận. Vấn đề nằm ở trình độ ra đề. Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, chuẩn bị trong hơn 10 năm và trải qua hai năm thí điểm ở diện rộng. Kết quả phổ điểm cho thấy hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng kỳ thi.

Tuy nhiên, người dân muốn biết đâu là phương án cuối cùng và còn phải trải qua bao nhiêu lần thay đổi mới đến được phương án đó.

"Vì chúng ta có một dự án như việc sửa một ngôi nhà trong một số năm, nhân dân đều muốn biết rằng phương án sau cùng mà chúng ta đi đến ổn định là phương án thi như thế nào, từ lúc này đến khi đó qua bao nhiêu lần thay đổi nữa", ông Vũ Đức Đam nói.

Trước Quốc hội, Phó thủ tướng cho biết ông đã đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ban hành đề án sớm (trước kỳ thi sang năm).

Ông cho rằng đại biểu, người dân, nhất là phụ huynh và học sinh, có thể yên lòng, tiếp tục theo dõi hướng dẫn và đề mẫu của Bộ GD&ĐT để có một kỳ thi trung thực, khách quan, nhẹ nhàng.

Theo Nguyễn Sương

 

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.

Cập nhật thông tin mới nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2019 - Luyện thi thpt quốc gia 2019 toán, văn, anh và các môn khác